news

Hải Hậu chú trọng giáo dục địa phương, góp phần bồi dưỡng truyền thống văn hóa, lịch sử quê hương

(04:53, 29/03/2024)

 

    Giáo dục lịch sử địa phương, truyền thống cách mạng không chỉ giúp học sinh hiểu hơn về những giá trị tốt đẹp của cha ông để lại mà còn vun đắp tình yêu quê hương, khơi dậy niềm tự hào dân tộc cho các em, phát huy truyền thống tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn”. Việc nâng cao chất lượng giáo dục truyền thống cho các em học sinh sẽ giúp các em phát triển năng lực, phẩm chất, đáp ứng với chương trình GDPT 2018. Nhận thức được tầm quan trọng của giáo dục lịch sử địa phương đối với thế hệ trẻ, thời gian qua, Hải Hậu đã tăng cường công tác giáo dục lịch sử địa phương tại các trường học.

    Trong những năm qua, Đảng bộ Hải Hậu đã coi trọng việc giáo dục truyền thống, đưa lịch sử địa phương vào sinh hoạt ở chi bộ và giảng dạy ở các trường phổ thông, các lớp bồi dưỡng Đối tượng Đảng, đảng viên mới tại Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện (Ban Tuyên giáo Huyện ủy xây dựng, ban hành Hướng dẫn số 09-HD/BTGHU và Hướng dẫn số 10-HD/BTGHU hướng dẫn giảng dạy Lịch sử Đảng bộ và nhân dân huyện Hải Hậu từ mở đất đến năm 2015 và lịch sử đảng bộ và nhân dân địa phương trong chương trình giảng dạy môn lịch sử cấp THPT, THCS trong toàn huyện); năm 2023 Đảng bộ Hải Hậu đã xuất bản lại cuốn Lịch sử Đảng bộ và nhân dân huyện Hải Hậu từ mở đất đến năm 2023. Trong những dịp kỷ niệm ngày lễ lớn của dân tộc, của các ngành, địa phương đã chỉ đạo Hội Cựu chiến binh, Đoàn TNCSHCM phối hợp với các nhà trường để nói chuyện truyền thống; tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho học sinh các cấp tham quan Bảo tàng huyện, Tháp-Đền liệt sỹ, Nhà thờ Tứ Tổ, Cầu Ngói... UBND huyện xây dựng, tôn tạo nghĩa trang liệt sỹ, xây dựng Tháp- Đền liệt sỹ; Nhà văn bia ở trung tâm huyện, nơi mở đất (Phú Cường)- xã Hải Trung, trụ sở đầu tiên của huyện tại Đông Cường- xã Hải Bắc, nơi công bố Quyết định thành lập Đảng bộ huyện Hải Hậu-Nhà thờ họ Lại đệ Tam xã Hải Long... Tổ chức cuộc thi “Tìm hiểu Hải Hậu: Mảnh đất-con người, truyền thống-đổi mới” nhân kỷ niệm 130 ngày thành lập huyện (1888-2018) đã thu hút 113.721 bài dự thi (đạt 44% dân số toàn huyện), đặc biệt có bài dự thi đã khái quát lịch sử Hải Hậu thành thơ. Tổ chức cuộc thi Sáng tác ảnh, triển lãm ảnh về mảnh đất, con người và thành tựu kinh tế-xã hội huyện trong 130 năm xây dựng và phát triển (1888-2018).
 


Ban Tuyên giáo Huyện ủy họp giao ban triển khai nhiệm vụ


Giáo viên, học sinh xem các bài thi đạt giải cao cuộc thi “Tìm hiểu Hải Hậu: Mảnh đất-con người, truyền thống-đổi mới”
 

   Trường THPT A Hải Hậu nằm ở trung tâm huyện với bề dày truyền thống hơn 60 năm. Môn học này đã được nhà trường đưa vào giảng dạy, chủ động xây dựng thời khóa biểu, kế hoạch giảng dạy. Bên cạnh đó, nhà trường chỉ đạo giáo viên tích cực, sáng tạo, đồng thời sưu tầm, trình chiếu nhiều video, hình ảnh thực tế phù hợp với bộ môn phụ trách nên việc triển khai tài liệu giáo dục địa phương trong chương trình chính khóa rất thuận lợi. Cùng với đó, vào các ngày lễ lớn trong năm, các kỳ thi quan trọng, lễ tổng kết năm học,... Nhà trường đều tổ chức dâng hoa, dâng hương tại Đền Liệt sỹ huyện, báo công thành tích của thầy và trò nhà trường đồng thời là nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Ngoài ra, Nhà trường phân công nhiệm vụ định kỳ cho GVCN các lớp đảm nhận việc tổng dọn vệ sinh, chăm sóc cắt tỉa hoa tại khuôn viên nghĩa trang liệt sỹ. Qua đó bồi đắp niềm tự hào cho các thế hệ học sinh, luôn phát huy truyền thống, mang trí tuệ, công sức cống hiến cho quê hương, đất nước. Bên cạnh đó, trường lồng ghép hoạt động tham quan trải nghiệm tại Bảo tàng – Nhà văn hóa huyện gắn với giáo dục truyền thống của địa phương. Việc lồng ghép hoạt động trải nghiệm với GDĐP cho học sinh có vai trò quan trọng trong thực hiện Chương trình GDPT 2018. Nhà trường căn cứ các văn bản hướng dẫn của Sở GD và ĐT, phối hợp cùng với phụ huynh tổ chức nhiều hoạt động thực tế cho học sinh. Khi tham quan, học tập, nghiên cứu tại bảo tàng, các em đều cảm nhận được dòng chảy xuyên suốt của lịch sử từ quá khứ đến hiện tại; được bồi đắp, khơi dậy niềm tự hào, trân trọng những thành quả của cha ông để lại, đồng thời có thêm những kỹ năng như làm việc nhóm, giải quyết các tình huống trong thực tế đời sống. 
 




Tiết dậy Lịch sử địa phương tại trường THPT A Hải Hậu










Giáo viên và học sinh đi tham qua thực tế tại Bảo Tàng và Nhà văn hóa huyện 
 

    Đối với cấp tiểu học, nội dung GDĐP được tích hợp trong hoạt động trải nghiệm và còn được tích hợp hoặc sử dụng trong dạy học các môn học ở từng lớp gắn với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của địa phương, đất nước; các hoạt động giáo dục tư tưởng chính trị, từ thiện vì cộng đồng tại địa phương; các hoạt động xã hội và tìm hiểu một số nghề nghiệp gần gũi... góp phần hình thành và phát triển phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi của học sinh. Tại Trường Tiểu học Hải Anh, Ban giám hiệu nhà trường đã triển khai nội dung GDĐP đến giáo viên trong toàn trường qua các buổi sinh hoạt chuyên môn. Nội dung các bài học chủ yếu đề cập đến cảnh quan thiên nhiên; ngành nghề, làng nghề truyền thống của địa phương; di tích lịch sử, danh nhân văn hóa, anh hùng liệt sĩ; lễ hội truyền thống trên quê hương, gắn liền với truyền thống lịch sử, văn hóa của xã Hải Anh nói riêng và của tỉnh nói chung. Mỗi chủ đề được thiết kế thành bài học cụ thể với những thông tin đảm bảo tính chính xác, khoa học, gần gũi, dễ hiểu, giúp học sinh cảm nhận và hiểu rõ hơn về các danh nhân, danh tướng, anh hùng liệt sĩ trên quê hương Nam Định đã chiến đấu anh dũng bảo vệ quê hương đất nước. Học sinh được tham gia các trò chơi dân gian; tìm hiểu di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh của quê hương Nam Định tươi đẹp; cùng nhau trải nghiệm nhiều hoạt động thú vị, bổ ích; khám phá không gian trường học, lớp học; tìm hiểu về nghề nghiệp của những người xung quanh. Qua mỗi hoạt động đã giúp hình thành, phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh, bồi dưỡng cho học sinh tình yêu quê hương, thích tìm hiểu và vận dụng những điều đã học để góp phần bảo vệ những cảnh đẹp, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa lịch sử của địa phương. Được tìm hiểu về truyền thống văn hóa, lịch sử địa phương qua môn học GDĐP, em Phạm Phương Uyên  lớp 3A4, Trường Tiểu học Hải Anh rất hào hứng với môn học. Em cho biết: “Em rất thích học môn GDĐP. Qua môn học em hiểu rõ về các vị anh hùng dân tộc, những cảnh đẹp, di tích lịch sử, những món đặc sản và lễ hội trên quê hương, qua đó em đã được biết đến lễ hội Chùa Lương, Nhà lưu niệm Vũ Văn Hiếu, Lễ hội Đền Trần..., và rất nhiều cảnh đẹp quê hương, thêm yêu đất nước, yêu con người và tự hào về truyền thống của quê hương”. Tham gia dạy môn GDĐP, cô Trần Thị Hải Yến, giáo viên Trường Tiểu học Hải Anh chia sẻ: GDĐP là một trong những môn học bổ ích, lý thú, cần thiết, giúp giáo viên và học sinh được tiếp cận với nhiều thông tin, kiến thức quan trọng về sự phát triển lịch sử văn hóa, văn học, đặc điểm tự nhiên xã hội và thực tế cuộc sống của địa phương gắn với văn hóa chuẩn mực đạo đức trong cộng đồng dân cư của xã Hải Anh và của tỉnh Nam Định. Môn GDĐP cơ bản gần gũi với cuộc sống, nhất là những nội dung liên quan đến thắng cảnh, lễ hội truyền thống của địa phương nên học sinh rất hào hứng. Học sinh có thể kể được tên các thắng cảnh, các lễ hội truyền thống của địa phương, của tỉnh và hiểu được ý nghĩa của những lễ hội đó. Việc trang bị cho học sinh những hiểu biết cơ bản về văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế - xã hội, môi trường, hướng nghiệp trong tài liệu GDĐP rất ý nghĩa, giúp bồi dưỡng học sinh tình yêu quê hương đất nước, tìm hiểu và vận dụng những điều đã học để có phần bảo vệ bảo tồn những giá trị văn hóa của cộng đồng các dân tộc, góp phần xây dựng văn hóa đạo đức học sinh.
    Nội dung GDĐP được xây dựng nhằm trang bị cho học sinh những hiểu biết cơ bản về văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế - xã hội, môi trường, hướng nghiệp… từ đó, bồi dưỡng cho học sinh tình yêu quê hương, ý thức tìm hiểu và vận dụng những điều đã học để góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa của cộng đồng dân cư, xây dựng văn hóa, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nội dung GDĐP cũng góp phần hình thành các năng lực, phẩm chất học sinh: Năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo; các phẩm chất yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm. Bên cạnh đó, phát triển cho học sinh năng lực thích ứng với cuộc sống, năng lực thiết kế và tổ chức hoạt động, năng lực định hướng nghề nghiệp; năng lực tìm hiểu tự nhiên và xã hội; vận dụng kiến thức (tự nhiên, văn hóa, xã hội) vào thực tiễn, ứng xử với tự nhiên phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, GDĐP là môn học mới, quá trình triển khai còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc (việc biên soạn, phê duyệt, in ấn tài liệu...), do vậy, để môn học đạt chất lượng, giáo viên phải lên kế hoạch, xây dựng giáo án kỹ lưỡng, bám sát văn bản hướng dẫn và tài liệu giảng dạy; tổ chức nhiều hình thức dạy vui, thiết thực, hấp dẫn với học sinh, tổ chức cho học sinh được trải nghiệm... 

Nguyên Hảo

Uỷ ban Nhân dân huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định
- Điện thoại: 0350. 3877.141 - Fax: 0350.3877.143
- Email: vanphong@haihau.vn
© 2003-2010 by INCOM
CLB DOANH NHÂN HẢI HẬU
Góp ý: doanhnhan@haihau.vn
SEO là gì | XSMB | XSMT | Lịch Vạn Niên |