news

Hội thảo đầu bờ mô hình nuôi cá ruộng áp dụng các biện pháp kỹ thuật thích ứng với biến đổi khí hậu

(03:27, 08/09/2016)

       Sáng ngày 07/09/2016, tại xã Hải An, Trung tâm giống thuỷ đặc sản tỉnh Nam Định phối hợp với Hội Nông dân xã Hải An tổ chức Hội thảo đầu bờ mô hình nuôi cá ruộng áp dụng các biện pháp kỹ thuật thích ứng với biến đổi khí hậu.
 


 

       Trong thời gian qua, Dự án Rừng và đồng bằng Việt Nam do USAID tài trợ đã kết hợp với Trung tâm Giống thủy đặc sản tỉnh Nam Định thực hiện khảo sát đánh giá hiện trạng việc nuôi cá ruộng của người dân. Qua đó, xây dựng quy trình kỹ thuật hướng dẫn cho người dân áp dụng và xác định cơ cấu cây trồng, vật nuôi giá trị có hiệu quả kinh tế cao, sản xuất sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm. So với mô hình cá - lúa truyền thống thì mô hình cá - lúa thích ứng với biến đổi khí hậu có một số khác biệt. Về các đối tượng nuôi, mô hình cá - lúa thích ứng với biến đổi khí hậu có thể nuôi cả cá nước ngọt và cá tôm nước lợ. Khi cho các đối tượng này vào nuôi chung một ruộng ở mật độ phù hợp thì chúng sẽ hỗ trợ lẫn nhau để phát triển tốt hơn, ít bị dịch bệnh và không gây ô nhiễm môi trường nuôi. Các đối tượng cá nước ngọt sống tầng đáy giúp sục đáy hạn chế tích đọng khí độc trong ruộng nuôi cho tôm phát triển tốt hơn, còn tôm giúp dọn chất thải của cá, làm sạch môi trường ruộng nuôi. Khi áp dụng mô hình này mỗi ruộng cần phải có hệ thống cống cấp và thoát nước tách bạch. Cống cấp nước được đặt ở vị trí đầu cao của mương, còn cống thoát nước sẽ được đặt ở đầu thấp nhất của mương. Ngoài ra, cần chú trọng lựa chọn các đối tượng nuôi có khả năng phát triển nhanh, cho giá trị kinh tế cao, ít bị dịch bệnh như cá chép, cá rô, cá trắm, cá trôi... Cá được đưa lên ruộng khi lúa cấy được từ 20 -25 ngày, đã bén rễ. Đối với lúa, phải chọn những giống cứng thân, tán hẹp, có khả năng kháng sâu bệnh tốt. Tuy nhiên ruộng lúa phải đảm bảo “đồng giống, đồng trà” để quá trình thu lúa nhanh gọn.
 


 

      Trước khi vào Hội thảo, các đại biểu đã đi tham quan thực tế mô hình nuôi cá ruộng có quy mô 2 ha tại hộ gia đình ông Nguyễn Văn Thạnh thuộc khu nuôi trồng thuỷ sản xã Hải An. Đây là mô hình được hỗ trợ cám công nghiệp Cagill 7454 và kỹ thuật trong suốt thời gian triển khai. Mô hình được ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật. Đồng thời, cũng là lớp học hiện trường để 30 học viên học tập và thực hành. Tại đây, ông Thạnh đã chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn nuôi cá ruộng, những thuận lợi và khó khăn khi triển khai. Trong đó, nổi bật là khi thực hiện mô hình trong vụ mùa 2016, gia đình ông hoàn toàn không sử dụng thuốc trừ cỏ cho ruộng lúa nuôi kết hợp với thả cá.
      Từ kết quả theo dõi thực tế mô hình nuôi cá ruộng áp dụng các biện pháp kỹ thuật thích ứng với biến đổi khí hậu nhận thấy: mô hình đạt hiệu quả kinh tế cao, các biện pháp kỹ thuật đơn giản, dễ làm, dễ áp dụng, năng suất lúa từ mô hình này cao hơn bình thường. Các phụ phẩm của lúa như rơm rạ, những hạt thóc rụng được tận dụng làm thức ăn cho cá, đặc biệt là cá trắm cỏ. Các loại như sâu, rầy cũng là nguồn thức ăn tốt giúp cá phát triển. Trong khi đó, cá lại hỗ trợ ngược lại, thải phân làm tăng nguồn dinh dưỡng cho cây lúa, cá bơi lội sục bùn làm đất tơi xốp, thoáng khí giúp rễ lúa nhanh phát triển hấp thu dinh dưỡng tốt.
       Mô hình nuôi cá ruộng thích ứng với biến đổi khí hậu bước đầu đã có những thành công nhất định, tạo được sự tin tưởng đối với người sản xuất, giúp người dân yên tâm về sinh kế trước tình trạng biến đổi khí hậu. Đồng thời, qua đó cũng giúp người dân nâng cao ý thức, chủ động ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu, môi trường toàn cầu.
                                                                                    

Vũ Diên

Uỷ ban Nhân dân huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định
- Điện thoại: 0350. 3877.141 - Fax: 0350.3877.143
- Email: vanphong@haihau.vn
© 2003-2010 by INCOM
CLB DOANH NHÂN HẢI HẬU
Góp ý: doanhnhan@haihau.vn
SEO là gì | XSMB | XSMT | Lịch Vạn Niên |